NDO - Từ năm 1999 đến nay, tại Việt Nam có gần 90 sáng chế và giải pháp hữu ích nghiên cứu công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực y tế được đăng ký. Trong số này, có 19 đơn thuộc về các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong nước.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo
Ngày 21/11, Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo “Xu hướng nghiên cứu công nghệ tế bào gốc phục vụ lĩnh vực y tế”.
Phát biểu khai mạc, Thạc sĩ Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hành trình trị liệu bằng tế bào gốc trên thế giới đã phát triển trong suốt nhiều năm qua, đang trở thành một tác nhân trị liệu mới của y học tái tạo. Từ năm 2015 đến nay, công nghệ tế bào gốc tiếp tục được nghiên cứu phát triển ứng dụng trong điều trị các bệnh lý.
Đề cập đến xu hướng nghiên cứu công nghệ tế bào gốc phục vụ lĩnh vực y tế trên cơ sở số liệu sáng chế quốc tế, Thạc sĩ Lê Trần Duy Sang, Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, từ năm 1981 đến tháng 10/2024, thế giới đã ghi nhận khoảng 25.000 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế về công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực y tế. Các nghiên cứu bắt đầu bùng nổ từ năm 2015, với hơn 1.000 sáng chế mỗi năm, tập trung chủ yếu tại: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Quang cảnh hội thảo.
Tại Việt Nam, từ năm 1999 đến nay, có 87 sáng chế và giải pháp hữu ích được đăng ký. Trong số này, có 19 đơn thuộc về các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong nước.
Nói về những đột phá lớn trong cấy ghép tế bào gốc tạo máu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Nghĩa, Trưởng khoa Huyết học trẻ em 2, Bệnh viện Truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ những ngày đầu, tế bào gốc tạo máu đã trở thành phương pháp điều trị chữa khỏi bệnh về ung thư, di truyền và miễn dịch đe dọa tính mạng.
Tế bào gốc tạo máu có một số ưu điểm như: tính chất tự tái tạo rất đặc biệt, có khả năng định cư tại các ổ “Niche” trong tủy xương sau khi tiêm tĩnh mạch và có khả năng bảo quản đông lạnh. HSCT (ghép tế bào gốc máu đồng loại) được công nhận là liệu pháp miễn dịch tế bào và giảm thiểu tối đa các độc tính sau ghép.
Ngoài những đột phá đáng kể trong lĩnh vực cấy ghép tế bào gốc tạo máu, Tiến sĩ Huỳnh Nghĩa cũng nhấn mạnh đến các thách thức trong tương lai khi đưa phương pháp này vào ứng dụng lâm sàng. Đặc biệt, việc lưu trữ và phát triển tế bào sau khi được tách ra bên ngoài vẫn là một bài toán khó, đòi hỏi những giải pháp tối ưu để bảo đảm hiệu quả trong quy trình ghép tế bào gốc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Nghĩa, Bệnh viện Truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.
Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm Lê Bửu Trúc, Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh phân tích về các nghiên cứu lâm sàng ứng dụng liệu pháp tế bào gốc trong điều trị bệnh tim trên thế giới. Qua đó cho rằng, việc nghiên cứu lâm sàng ứng dụng liệu pháp tế bào gốc trong điều trị tim trên thế giới vẫn còn hạn chế, và rất hạn chế ở Việt Nam do mức độ phức tạp của bệnh.
Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung về xu hướng nghiên cứu công nghệ tế bào gốc phục vụ lĩnh vực y tế trên cơ sở số liệu sáng chế quốc tế; những đột phá lớn trong cấy ghép tế bào gốc tạo máu và những thách thức trong tương lai khi triển khai lâm sàng; nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh...
Ban Tổ chức kỳ vọng thông qua hội thảo sẽ tạo ra cầu nối để các nhà nghiên cứu có thêm cơ hội hợp tác và triển khai các giải pháp công nghệ vào thực tiễn, đồng thời hy vọng sẽ có thêm nhiều sáng chế, nhiều nghiên cứu về công nghệ tế bào gốc được ứng dụng và phục vụ cho ngành y tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn: Khả Bích - NDO