Hàng trăm lượt khách đến tham quan, tìm hiểu công nghệ, kết nối tư vấn và tham dự các hoạt động trực tiếp, hàng ngàn lượt tiếp cận online trên các nền tảng trực tuyến,... cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của Techmart chuyên ngành "Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024".
"Chợ" công nghệ và thiết bị (CN&TB) được tổ chức từ ngày 28-29/11/2024 nhằm thúc đẩy tương tác, trao đổi mua bán, chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và sau thu hoạch. Qua đó tạo điều kiện đưa công nghệ mới, các giải pháp thông minh, chuyển đổi số ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN).
Sau hai ngày diễn ra, sự kiện do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình và đạt được hiệu quả lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, hiện thực hóa mục tiêu đưa TP.HCM trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.
Cụ thể, Techmart lần này trình diễn, giới thiệu gần 120 CN&TB trong và ngoài nước của 50 doanh nghiệp, viện, trường, Sở Khoa học và Công nghệ,… trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành khác. Sự kiện thu hút hàng trăm lượt khách từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, các trường đại học, viện/trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp, các cơ quan báo đài,… đến tham quan gian hàng, tìm hiểu công nghệ và tham dự 13 hội thảo. Các nền tảng trực tuyến Google Meet, Facebook và Youtube thu hút hàng ngàn lượt người tham dự hội thảo, xem livestream lễ khai mạc và các hội thảo.
Khách tham quan, tìm hiểu công nghệ tại Techmart
Theo ban tổ chức, Techmart ghi nhận nhiều sản phẩm, giải pháp, CN&TB có tính ứng dụng cao, thu hút khách tham quan, hứa hẹn giao dịch mua bán, hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ thành công. Đáng chú ý là các giải pháp công nghệ phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học và cơ khí tự động hóa nhằm sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến nông sản, đáp ứng mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng, giá trị và an toàn thực phẩm.
Cụ thể như hệ thống quan trắc môi trường nông nghiệp PIF Lab tự động ứng dụng công nghệ IoT; hệ thống cân điện tử nông sản tích hợp phần mềm quản lý thông minh; hệ thống điều khiển tưới tự động từ xa không dây sử dụng công nghệ LoRa; hệ thống bơm tưới cho trang trại ứng dụng IoT và năng lượng mặt trời; máy bay nông nghiệp KD-50Max; robot AGV vận chuyển nông sản trong nhà máy; robot cắt cỏ HT550; giải pháp số hóa, quản lý chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc nông sản; giải pháp giám sát, điều khiển tự động thông minh CTHINGS IoT cho vườn sầu riêng, thuỷ canh; giải pháp tưới giải nhiệt, phun thuốc tự động, thông minh, từ xa qua internet; máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật không người lái DRA30; máy dò tạp chất X-Ray trong thực phẩm đóng gói; hệ thống máy chiên chân không, máy lên men tỏi đen, máy hấp ủ sữa chua, máy sấy đối lưu; hệ thống hun trùng hữu cơ OxyLow kết hợp bảo quản KoMot; quy trình lên men sản xuất một số chủng vi sinh vật ứng dụng vào quá trình nuôi trồng thuỷ sản; các giải pháp thông minh hỗ trợ quản trị hoạt động nông nghiệp như: giải pháp ERP-LC quản lý trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, giải pháp hoạch định nguồn lực ngành nông nghiệp SalesUP ERP Farm (GESO), giải pháp quản lý trang trại thông minh ASOFT-ERP F2M từ nông trại đến bàn ăn;…
Trong đó, với hệ thống hun trùng hữu cơ OxyLow kết hợp bảo quản KoMot, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Kỹ thuật Anh Thi mang đến giải pháp mới thay thế hóa chất trong bảo quản nông sản, với chi phí cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm phụ thuộc vào hóa chất, tăng hiệu quả trong kiểm soát sâu mọt, đảm bảo chất lượng nông sản. Nguyên lý của công nghệ này là tạo ra môi trường trong các phòng hun trùng kín với nồng độ oxy cực thấp (dưới 1%), giúp ngăn chặn hô hấp và trao đổi chất của các loài gây hại, tiêu diệt 100% côn trùng ở tất cả các giai đoạn phát triển, bao gồm ấu trùng, nhộng và côn trùng trưởng thành. Công nghệ KoMot sử dụng bạt hoặc kén để tạo môi trường kín khí, đáp ứng tiêu chuẩn hun trùng nghiêm ngặt mà không cần hạ tầng cố định. Bạt và kén hun trùng cho phép xử lý linh hoạt nhiều loại nông sản, không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn nội địa mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu, thúc đẩy nông nghiệp sạch, bền vững, thân thiện với môi trường.
Gian hàng VinaOrganic ghi nhận một số kết nối, đặt vấn đề hợp tác chuyển giao công nghệ sau Techmart
Còn VinaOrganic mang đến Techmart nhiều dòng máy và thiết bị sản xuất thực phẩm hiện đại, sẵn sàng chuyển giao, trong đó máy chiên chân không 30 kg, máy lên men tỏi đen 160 khay, máy hấp ủ sữa chua 12 khay và máy sấy đối lưu 30 khay được khách tham quan chú ý, tìm hiểu và đặt vấn đề kết nối hợp tác chuyển giao công nghệ sau Techmart.
Đại diện VinaOrganic cho biết, máy chiên chân không bao gồm các bộ phận: buồng chiên, bảng điều khiển, ben khí nén, van xả áp, tháp giải nhiệt, giỏ chiên, bơm chân không vòng nước, bánh xe chịu lực và khung đỡ máy. Máy dùng cho lĩnh vực chế biến thực phẩm, ưu điểm là sản xuất được các dòng sản phẩm trái cây, nông sản sấy giòn, tối ưu hệ thống tạo áp suất chân không, hệ thống điều khiển nhiệt và các cơ cấu vận hành chính xác, đảm bảo các yếu tố như nhiệt độ, áp suất, thời gian luôn chính xác trong mỗi lần máy hoạt động. Nhờ đó giữ lại giá trị dinh dưỡng, màu sắc, hương vị của sản phẩm rau củ quả tươi hay các loại nấm trong một cấu trúc giòn xốp. Máy tỏi đen VGarlic là một trong những dòng máy do VinaOrganic trực tiếp sản xuất và cung cấp ra thị trường, được cải tiến dựa trên kinh nghiệm thực tế để mang lại hiệu quả cao. Ưu điểm của máy là có thể đáp ứng nhiều năng suất khác nhau; được thiết kế tối ưu hiệu suất sản xuất, năng suất lên men tối đa lên đến 600 kg nguyên liệu; vận hành dễ dàng với hệ thống gia nhiệt 3D, hệ thống tạo ẩm đối lưu cực kỳ tiết kiệm điện (lượng điện tiêu thụ mỗi giờ chỉ từ 1.4 kW), tỷ lệ lên men thành công lên tới 100%. Máy hấp ủ sữa chua 12 khay được thiết kế đa năng, có thể ứng dụng cho nhiều sản phẩm hấp ủ khác nhau như ủ sữa chua, hấp bánh flan, bánh da lợn, bánh bao, bánh bò, hấp cơm, hải sản. Máy được thiết kế nhỏ gọn, vận hành dễ dàng, tối ưu hiệu suất sản xuất, tiết kiệm điện năng, tiết kiệm thời gian, nhân công, tuổi thọ máy cao. Máy sấy đối lưu được thiết kế nhỏ gọn, bảng điều khiển để ở nơi tiện quan sát, đối lưu nhiệt tốt, hỗ trợ quá trình sấy khô diễn ra nhanh, tiết kiệm thời gian và điện năng, nâng cao hiệu suất sấy của máy. Máy được thiết kế nguyên khối, khoảng cách buồng sấy trong máy lớn hơn 50-70% so với máy trên thị trường, hệ thống gia nhiệt và đối lưu nhiệt đồng đều giúp sấy đồng đều nguyên liệu trên khay, điều khiển nhiệt độ và tốc độ sấy chính xác, thiết kế tối ưu giúp nâng cao hiệu quả vận hành.
Khu vực tư vấn với 8 chuyên gia thường trực tại Techmart đã giải đáp, cung cấp thông tin cho hàng trăm lượt yêu cầu tư vấn ngay tại sự kiện
Bên cạnh đó, khu vực tư vấn với 8 chuyên gia thường trực, Techmart đã kết nối hơn 50 lượt tư vấn, giải đáp thông tin cho hàng trăm yêu cầu của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ngay tại sự kiện. Một số nội dung đáng chú ý như tư vấn về quy trình kéo dài thời gian bảo quản trái cây xuất khẩu (chanh dây, mít, sầu riêng…); công nghệ chế biến trà, cà phê, ca cao; quy trình sử dụng hóa chất trong bảo quản sau thu hoạch; phương pháp kiểm soát khí quyển trong bảo quản sau thu hoạch; công nghệ trích ly chất màu, các chất có hoạt tính sinh học trong nông sản, dược liệu; quy trình sơ chế, làm sạch, đóng gói sản phẩm rau ăn lá dạng cắt tươi và nguyên cây (cải bẹ xanh, cải ngọt, xà lách,...); quy trình sản xuất nước bưởi lên men, rượu bưởi, nước ép bưởi đóng chai; tư vấn máy phun thuốc, hệ thống vận chuyển thu gom bưởi sau thu hoạch; hệ thống tách bọt trong xử lý nước ao nuôi tôm; công nghệ xử lý sau thu hoạch hạt mắc ca, cà phê, sầu riêng; máy bay phun thuốc (diện tích 40 ha); tư vấn hệ thống thiết bị canh tác nhằm tăng năng suất cây trồng; quy trình, máy móc, thiết bị khử trùng cho cây nấm,…
Cụ thể, với yêu cầu tư vấn quy trình bảo quản rau hữu cơ 5 tấn/ngày, chuyên gia gợi ý cần phân loại rau củ quả theo nhóm, và áp dụng các phương pháp bảo quản lạnh. Trong đó, phương pháp lạnh đông với nhiệt độ từ -10oC đến -15oC là điều kiện lý tưởng giúp ngăn ngừa sự phát triển của các vi sinh vật hay côn trùng, đóng băng nước có trong sản phẩm, nhờ vậy giữ được các chất dinh dưỡng có trong rau. Đối với yêu cầu tư vấn các loại sản phẩm có thể sản xuất, chế biến từ bưởi, chuyên gia cho biết, hiện nay có thể sử dụng/tận dụng các thành phần từ bưởi như trái bưởi, lá bưởi, vỏ bưởi để sản xuất các sản phẩm nước ép bưởi, tinh dầu bưởi, trà lá bưởi,… Riêng với vỏ bưởi, phần vỏ xanh có thể sử dụng làm tinh dầu, vỏ trắng có thể sử dụng để làm mứt hoặc làm nguyên liệu cho chè bưởi, trân châu bưởi, kẹo bưởi,… Vỏ bưởi cũng đã được nghiên cứu sử dụng để sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị sỏi thận, giảm mỡ máu,… Về các phương pháp, quy trình công nghệ chế biến, Trường Đại học Bách Khoa và một số trường có khoa công nghệ thực phẩm đã có nhiều nghiên cứu liên quan, có thể tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và sẵn sàng kết nối hợp tác để phát triển sản xuất.
Các chuyên gia cũng giải đáp nhiều nội dung yêu cầu tư vấn liên quan chuyển đổi số như tư vấn về phần mềm quản lý trồng mía, kết nối thu thập dữ liệu, giải pháp chuyển đổi số, xác định phạm vi và mục tiêu dự án nông nghiệp cần chuyển đổi số, đánh giá hiện trạng của hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm cần chuyển đổi số,…
13 chuyên đề hội thảo Techmart diễn ra trong hai ngày với các hình thức trực tiếp, trực tuyến và được phát livestream, tạo thuận lợi cho khách tham dự
Tại Techmart cũng diễn ra 13 chuyên đề hội thảo với đa dạng các hình thức từ trực tiếp, trực tuyến, đến phát livestream, tạo nên sức hút và lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng. Một số hội thảo được chú ý như Ứng dụng máy bay không người lái (drone) phục vụ chăm sóc cây trồng trên diện tích lớn; Ứng dụng thiết bị phun và sạ tự hành công nghệ mới - TTDrone trong canh tác nông nghiệp; Hệ sinh thái nông nghiệp số VNPT Agri: Giải pháp cho liên kết chuỗi giá trị nông sản bền vững; Mô hình D2C ứng dụng nền tảng hệ sinh thái giúp liên kết chuỗi giá trị kết nối từ cánh đồng đến bàn ăn; Các phương pháp đánh giá nhanh chất lượng vi sinh trên nông sản và giám sát vệ sinh nhà xưởng sản xuất nông phẩm; Ứng dụng công nghệ enzyme và công nghệ lên men nhằm chế biến sâu một số loại trái cây và phụ phẩm trái cây;…
Về ứng dụng máy bay không người lái (drone), TS. Đặng Xuân Ba (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết, nhu cầu ứng dụng drone hiện nay rất lớn, phổ biến trong giám sát xây dựng (công trình), cứu nạn cứu hộ, đặc biệt là trong nông nghiệp. Các kết quả nghiên cứu hiện nay cho thấy, để thiết kế các hệ thống điều khiển chính xác cho drone, cần giải quyết vấn đề về các yếu tố nhiễu động nội và ngoại của hệ thống (ví dự như sự bất đối xứng của hệ thống, sự biến đổi các thông số hệ thống trong quá trình làm việc, hoặc các nhiễu động ngoại) và cần có chiến lược điều khiển phù hợp. Tiếp cận hướng nghiên cứu này, TS. Ba và cộng sự đã nghiên cứu phát triển một phương pháp điều khiển hiệu quả cho các hệ drone sử dụng các kỹ thuật điều khiển phi tuyến và ước lượng nhiễu. Hiệu quả làm việc của phương pháp điều khiển này đã được chứng minh trên cả mô phỏng và các thí nghiệm thực tế trong nhiều điều kiện khác nhau. Với tính bền vững và khả năng thích nghi tốt với môi trường sẽ tạo nền tảng cho hệ thống hoạt động tự hành trên các diện tích trồng trọt lớn, phù hợp điều kiện tại Việt Nam.
Về mô hình D2C, TS. Nguyễn Tuấn Hoa (Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam) chia sẻ, trong mô hình thương mại truyền thống, nhà sản xuất bán sản phẩm với giá thấp, không biết thông tin về người tiêu dùng; người tiêu dùng mua sản phẩm với giá cao, không biết thông tin về nhà sản xuất. Điều này là do phải qua khâu trung gian (hệ thống phân phối), đây cũng là hệ thống hưởng lợi lớn nhất cả về bán hàng lẫn dữ liệu, chi phối thị trường. Trong xu thế hiện nay, xuất hiện mô hình D2C, với việc ứng dụng nền tảng công nghệ số, ứng dụng công nghệ cao (kết nối trực tiếp từ vườn trồng đến bàn ăn), nhà sản xuất có thể bán sản phẩm thẳng tới người tiêu dùng (thay vì qua khâu trung gian như mô hình truyền thống). Nhà sản xuất cũng có thể biết rõ thông tin về người tiêu dùng, đo lường được thị phần, dự báo được thị hiếu, xu thế mua sắm, sức mua,… để chủ động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, chủ động chăm sóc khách hàng. Người tiêu dùng có thể chủ động lựa chọn những sản phẩm an toàn, chất lượng, giá phải chăng, có nguồn gốc rõ ràng, nắm thông tin về quy trình sản xuất xanh, hữu cơ, các tiêu chuẩn về sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn,...
Theo TS. Nguyễn Tuấn Hoa, mô hình D2C là xu thế tất yếu của ngành bán lẻ hiện đại, cũng là điểm tựa để phát triển kinh tế đột phá, với các mô hình kinh tế của nông thôn mới, kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn,… Vì mô hình này giúp "cởi trói" cho sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Đây cũng là "sức ép" để nhà sản xuất chủ động ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Muốn vậy, cần có các trung tâm nghiên cứu, sáng tạo, phát triển giải pháp và chuyển giao công nghệ, cung cấp giải pháp cho các đơn vị sản xuất, từ đó hình thành nên chuỗi liên kết theo giá trị. Để mô hình này tồn tại, phải xây dựng được hệ thống liên kết sản xuất - tiêu thụ, ứng dụng nền tảng công nghệ kết nối trực tiếp nhà sản xuất với người tiêu dùng, loại bỏ khâu trung gian. Thực tế đã có một số mô hình ứng dụng thành công như Cà phê số, Bia tươi số, D2C trang trại nhỏ bán sản phẩm trực tiếp cho bếp ăn, D2C đặc sản 3 miền, D2C cung cấp vật tư,… Để thúc đẩy phát triển D2C, cần có các chính sách cụ thể như khuyến khích mô hình D2C cho các sản phẩm tiêu biểu của địa phương, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương; chuẩn hóa các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm xanh, khuyến khích chuyển đổi số,…
Tại hội thảo Ứng dụng công nghệ enzyme và công nghệ lên men nhằm chế biến sâu một số loại trái cây và phụ phẩm trái cây, TS. Phạm Minh Nhựt (Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh – HUTECH) trình bày và chia sẻ một số hướng nghiên cứu, hợp tác chuyển giao giải pháp chế biến sâu và phát triển sản phẩm mới liên quan đến trái cây; giải pháp tận dụng các nguồn phụ phế phẩm trong sản xuất trái cây tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao; giải pháp tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn nguyên liệu trong sản xuất thực phẩm; công nghệ sản xuất các nguồn nguyên liệu cung cấp cho sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm,…
Theo TS. Nhật, Việt Nam có sản lượng trái cây rất lớn, nhiều loại có giá trị cao. Tuy nhiên, giá trị sử dụng của trái cây còn hạn chế, đặc biệt là sự lãng phí nguồn phụ và phế phẩm trái cây. Hiện nay, một số loại trái cây như sầu riêng, xoài đang phát triển vùng trồng rất mạnh, kéo theo lượng lớn phụ phẩm từ trái cây có thể gây ảnh hưởng đến môi trường. Nhằm áp dụng KH&CN vào sản xuất và chế biến sâu, nhóm nghiên cứu công nghệ sinh học của HUTECH đã áp dụng công nghệ thủy phân bằng enzyme và công nghệ lên men để tận dụng nguồn phụ phế phẩm của quá trình sản xuất và chế biến trái cây (chuối, xoài, sầu riêng, nhãn) tạo ra các sản phẩm có giá trị ứng dụng trong thực phẩm, mỹ phẩm,… Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc tạo ra các sản phẩm mì sợi, bánh quy ít năng lượng, bột rắc có bổ sung bột vỏ quả sầu riêng; thực phẩm ít calo, hỗ trợ tiêu hóa, mỹ phẩm chăm sóc da bổ sung các thành phần kháng viêm, chống oxy hóa từ bột chuối xanh và vỏ quả chuối; các sản phẩm trà thảo mộc, thực phẩm chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm chăm sóc da, chống lão hóa, chăm sóc tóc, chăm sóc cơ thể,… từ vỏ và hạt quả nhãn, bột vỏ xoài,… Thành công của nhóm nghiên cứu cho thấy, công nghệ enzyme và công nghệ lên men là giải pháp xanh, bền vững do các enzyme có khả năng phân hủy sinh học, chuyển hóa các chất hữu cơ, tính đặc hiệu cao, không tạo ra chất thải độc hại, dễ áp dụng và chi phí đầu tư thấp nhất. Nhóm nghiên cứu HUTECH sẵn sàng hợp tác, chuyển giao công nghệ để phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hướng đến nông nghiệp tuần hoàn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm chi phí xử lý chất thải.
Lam Vân (CESTI)