Dữ liệu được tổ chức và phân loại logic hơn giúp người dùng dễ quản lý và truy cập, đảm bảo tính nhất quán của dữ liệu khi được chia sẻ và sử dụng bởi nhiều người hoặc hệ thống khác nhau, giúp người dùng hiểu rõ hơn về dữ liệu và sử dụng dữ liệu hiệu quả hơn.
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Xây dựng hệ thống metadata cho kho dữ liệu HCMGIS”. Đây là nhiệm vụ do Trung tâm Ứng dụng Hệ thống thông tin Địa lý TP.HCM chủ trì thực hiện, KS. Nguyễn Tùng Cương làm chủ nhiệm nhiệm vụ.

Metadata là siêu dữ liệu tham chiếu có khả năng cung cấp thông tin về dữ liệu khác. Khi dữ liệu được cung cấp cho người dùng, thông tin metadata sẽ cung cấp những thông tin cho phép người dùng hiểu rõ hơn bản chất về dữ liệu đang truy vấn, bao gồm: nguồn gốc, chất lượng, đặc điểm và cách sử dụng. Chính vì vậy metadata đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý đối tượng, tổ chức và sử dụng dữ liệu, giúp làm rõ và nhất quán thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện thông tin, tìm kiếm và truy xuất tài nguyên. Khi được gắn thẻ với metadata, bất kỳ đối tượng nào cũng có thể liên kết được với các yếu tố thích hợp khác một cách tự động, việc tổ chức vì thế mà dễ dàng hơn.
Báo cáo tại buổi nghiệm thu, KS. Nguyễn Tùng Cương cho biết nhóm thực hiện đã xây dựng hệ thống metadata cho kho dữ liệu HCMGIS phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, có các nhóm chức năng như quản trị hệ thống, quản lý thông tin nhận dạng dữ liệu, quản lý thông tin chất lượng dữ liệu, quản lý thông tin tham chiếu không gian, quản lý thông tin nội dung dữ liệu, quản lý thông tin phân phối dữ liệu. Hệ thống tuân thủ Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
Nhóm thực hiện cũng tiến hành cập nhật đầy đủ các thông tin metadata cho 80 lớp bản đồ trong kho dữ liệu HCMGIS, qua đó hỗ trợ tối đa cho người dùng trong việc quản lý, truy xuất, tra cứu tìm kiếm tài nguyên theo các dạng tiêu chí khác nhau. Cụ thể, dữ liệu được tổ chức và phân loại logic hơn giúp người dùng dễ quản lý và truy cập, đảm bảo tính nhất quán của dữ liệu khi được chia sẻ và sử dụng bởi nhiều người hoặc hệ thống khác nhau, giúp người dùng hiểu rõ hơn về dữ liệu và sử dụng dữ liệu hiệu quả hơn.
Theo KS. Nguyễn Tùng Cương, tuy việc cập nhật metadata là một quá trình phức tạp, nhưng nếu áp dụng các giải pháp phù hợp, tổ chức có thể vượt qua các rào cản và tận dụng được lợi ích cực lớn của metadata. Tổ chức có thể xây dựng và tiêu chuẩn hóa rõ ràng cho việc tạo, cập nhật và quản lý metadata, sử dụng các công cụ và hệ thống tự động hóa để tạo và cập nhật metadata, thường xuyên kiểm tra và đánh giá chất lượng metadata để đảm bảo tính chính xác và đầy đủ.
Hoàng Kim (CESTI)