Techmart 2024: Cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp công nghệ mới

(ĐCSVN) - Techmart 2024 quy tụ 50 gian hàng, nơi trưng bày các quy trình, công nghệ và thiết bị tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, và công nghệ xử lý môi trường. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp công nghệ mới nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Từ ngày 21-25/9, tại trục đường Nguyễn Huệ, phường Bến Thành, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, diễn ra Triển lãm Chợ Công nghệ và Thiết bị (Techmart) 2024 với chủ đề “Công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường phục vụ chuyển đổi công nghiệp”. Sự kiện sẽ mang đến nhiều hoạt động hấp dẫn và hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Techmart 2024 quy tụ 50 gian hàng, nơi trưng bày các quy trình, công nghệ và thiết bị tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, và công nghệ xử lý môi trường. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp công nghệ mới nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu tác động đến môi trường. Đồng thời đây cũng là nơi kết nối, học hỏi và chia sẻ giữa các doanh nghiệp, chuyên gia và cộng đồng, qua đó cùng nhau hướng tới một tương lai bền vững hơn cho ngành công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh.
 
 
 
Techmart 2024 với chủ đề “Công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và xử lý môi trường phục vụ chuyển đổi công nghiệp" là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp công nghệ mới nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Một trong những điểm nhấn của Techmart là khu vực tư vấn với sự tham gia của 8 chuyên gia đến từ các trường: Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên, và Đại học Tài nguyên và Môi trường. Tại khu vực này, các chuyên gia sẽ cung cấp tư vấn miễn phí về công nghệ và thiết bị, giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về xu hướng chuyển đổi xanh hiện nay.

Ngoài ra, khu vực hội thảo sẽ tổ chức 13 chuyên đề, tập trung vào các ứng dụng công nghệ xanh và năng lượng tái tạo. Các chủ đề đáng chú ý bao gồm hệ thống đo lường và giám sát chất lượng môi trường không khí dựa trên nền tảng IoT, công nghệ khí hóa xử lý rác thải rắn trong sản xuất công nghiệp, và giải pháp điều khiển hệ thống quản lý năng lượng tái tạo bằng công nghệ AI.

ThS. Nguyễn Vũ Quỳnh Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMDV Phát triển kỹ thuật DPKT (DPKT Technologies) đồng thời cũng là thành viên CLB C-100 trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cho biết: Chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng, mà còn là nhu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Việc áp mô hình sản xuất xanh  mang lại lợi ích, không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái mà còn giúp tối ưu hóa tài nguyên và năng lượng. Đồng thời giúp các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe của thị trường, tăng cường uy tín cũng như tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Vũ Quỳnh Nguyên, việc chuyển đổi xanh cũng có nhiều thách thức cho các doanh nghiệp đặc biệt là về mặt chi phí. Để có thể thực hiện được mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào công nghệ mới, tái cấu trúc quy trình sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn, đôi khi tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và biên lợi nhuận bị thu hẹp./.
Nguồn: An Nhiên - ĐCSVN
Sử dụng công nghệ sàn giao dịch Techport
Scroll