Đây là thông tin được TS. Trần Thanh Tâm - Phó trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chia sẻ, tại sự kiện Hợp tác công nghệ do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức với chủ đề “Quy trình xử lý phế phẩm từ cây chuối thành sản phẩm thân thiện với môi trường”, vào ngày 13/11/2024.
TS. Trần Thanh Tâm - Phó trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM
Sự kiện lần này, CESTI tiếp nhận bốn đơn vị với mong muốn sớm tìm được giải pháp phù hợp để tiếp tục thương thảo hợp tác, chuyển giao Quy trình xử lý phế phẩm từ cây chuối gồm: Công ty CP Công nghệ môi trường Envi Eco, Công ty TNHH MTV Ngôi Sao Vàng, Công ty CP Nông nghiệp Huy Long An và Công ty TNHH Giải pháp phát triển thương mại Bách Anh Hào.
Theo TS. Trần Thanh Tâm - Phó trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Đối ngoại, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hầu hết các bộ phận của cây chuối như thân, lá đều bị bỏ đi sau khi thu hoạch hoặc một phần thân chuối được dùng trong việc chăn nuôi nên nguồn lợi từ việc trồng chuối không được tận dụng một cách tối đa, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Với xu thế của thế giới và Việt Nam là hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM giới thiệu các giải pháp nhằm tạo ra các sản phẩm làm từ giấy và sợi chuối như đồ dùng gia dụng (ly, chén, ống hút...) thay thế nhựa, nilon hay các mặt hàng dệt may, đồ thủ công mỹ nghệ... mang lại những giá trị tích cực cho môi trường và kinh tế cộng đồng.
“Quy trình xử lý phế phẩm từ cây chuối thành sản phẩm thân thiện với môi trường là kết quả nghiên cứu của sinh viên. Mục tiêu là giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, tạo ra những giải pháp tái tạo và thân thiện với môi trường cũng như phù hợp với tăng trưởng kinh tế bền vững. Đặc biệt là, mở hướng đi mới cho việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và giải quyết vấn đề về sử dụng nhựa một lần… Hơn hết, chúng tôi hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, vì nhận thấy, sản phẩm từ cây chuối có thể đạt được 12 mục tiêu phát triển bền vững”, TS. Trần Thanh Tâm chia sẻ.
Nói về, quy trình công nghệ xử lý lá chuối, sợi chuối, các thành viên nhóm nghiên cứu của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nhận định, đây là một quy trình tuần hoàn. Cụ thể, lá chuối hay thân chuối sau khi thu hoạch, được xử lý thông qua máy móc công nghệ (máy xay lá chuối; máy tướt sợi chuối, máy ép định hình tấm chuối) sẽ cho ra các sản phẩm nhất định như ly, chén, ống hút... thay thế nhựa, nilon hay các mặt hàng dệt may, đồ thủ công mỹ nghệ… các sản phẩm này, sau khi đã qua sử dụng hoặc dịch chuối tạo ra trong quá trình xay lá, tướt sợi sẽ được ủ vi sinh để tạo ra phân bón, bón lại cho cây trồng.
Cũng theo đại diện nhóm nghiên cứu, hiện nay chi phí ước tính quy mô mở rộng của công ty khi áp dụng các quy trình công nghệ này, với những hạng mục như: Nghiên cứu và phát triển khoảng 20 - 25 triệu; Thiết lập nhà xưởng nhỏ khoảng 20 - 30 triệu/tháng; Nguyên liệu và nguồn cung khoảng 12 - 20 triệu; Chi phí vận hành khoảng 15 - 20 triệu/tháng; Tiếp thị và phân phối khoảng 5 - 10 triệu/tháng; Kiểm tra và cấp chứng nhận khoảng 2 - 3 triệu; Dự phòng vốn 10 - 15 % của tổng chi phí. Với mục tiêu tăng trưởng năm đầu tiên (giai đoạn thiết lập) 1,5 - 2, 5 tỷ VND và giai đoạn ổn định sau 5 năm (giai đoạn ổn định và phát triển lớn) là 7 - 15 tỷ VND.
Nhiều câu hỏi, ý kiến đóng góp và kinh nghiệm thực tế được các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ cùng nhà cung ứng công nghệ tại sự kiện
Ông Võ Hưng Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI), chia sẻ thông tin tại sự kiện
Theo ông Võ Hưng Sơn - Phó Giám đốc CESTI, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất chuối hàng đầu thế giới, với sản lượng khoảng 2,5 triệu tấn mỗi năm. Bên cạnh sản phẩm chính, phế phẩm từ cây chuối là nguồn nguyên liệu dồi dào để tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, không chỉ giảm thiểu rác thải mà còn tạo ra một chuỗi giá trị bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống cộng đồng.
Các đơn vị có nhu cầu gồm: Công ty CP Công nghệ môi trường Envi Eco, Công ty TNHH Giải pháp phát triển thương mại Bách Anh Hào, Công ty CP Nông nghiệp Huy Long An, Công ty TNHH MTV Ngôi Sao Vàng cùng ký kết biên bản ghi nhớ tư vấn, hợp tác công nghệ với nhà cung ứng.
Được biết, “Hợp tác công nghệ” là sự kiện thuộc chuỗi hoạt động “Cà phê Công nghệ” do Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM tổ chức, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) là đơn vị thực hiện nhằm kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ với các doanh nghiệp sản xuất, hỗ trợ các bên tìm kiếm cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ. Để thực hiện buổi kết nối này, trước khi tổ chức sự kiện, Ban tổ chức sẽ thực hiện khảo sát nhu cầu rộng rãi trong cộng đồng để tìm kiếm các đơn vị có nhu cầu về công nghệ.
Hợp tác công nghệ với chủ đề: “Quy trình xử lý phế phẩm từ cây chuối thành sản phẩm thân thiện với môi trường”, sẽ tiếp tục được xây dựng thành một trong các chuyên đề trong Chuyên mục “Thảo luận công nghệ” trên Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ (Techport.vn) của Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể tiếp tục trao đổi ý tưởng, giải pháp trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, CESTI vẫn tiếp tục đóng vai trò là cầu nối hỗ trợ các bên cung - cầu trong hoạt động tư vấn, kết nối chuyển giao công nghệ, góp phần thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực.
Nhật Linh (CESTI)