“Đổi đời” cho phế phẩm nông nghiệp – chăn nuôi

Đó là nhận định của nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Công nghệ Hóa học, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM tại Hội thảo “Quy trình sản xuất than sinh học từ phế phẩm nông nghiệp - chăn nuôi”, góp mặt trong Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Techfest Phu Yen 2024.
Sáng ngày 15/11, nhân dịp diễn ra Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Techfest Phu Yen 2024, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên tổ chức đầu cầu trực tuyến nhằm kết hợp giới thiệu Khai trương Sàn Giao dịch Công nghệ tỉnh Phú Yên và giới thiệu công nghê đến các doanh nghiệp tại Phú Yên thông qua 2 hình thức, trực tiếp tại Sàn Giao dịch Công nghệ TP.HCM và trực tuyến trên nền tảng Google Meet.
 
Kết nối tại đầu cầu Phú Yên, ông Đào Mỹ (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên) cho biết, thời gian qua, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn đã từng bước hình thành và phát triển. Trước thực tế này, Sở Khoa học và Công nghệ ra mắt Sàn Giao dịch Công nghệ tỉnh Phú Yên, với chức năng hỗ trợ trưng bày, giới thiệu công nghệ, thiết bị, sản phẩm KH&CN của các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu chào bán, quảng bá trên sàn. Việc khai trương và đưa vào hoạt động Sàn Giao dịch Công nghệ tỉnh Phú Yên sẽ giúp các cơ quan quản lý nắm bắt được số liệu về giao dịch công nghệ thông qua sàn, kiểm soát, chọn lọc được công nghệ tốt và loại bỏ những công nghệ lạc hậu.
 
“Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh rất mong muốn nhận đuợc sự hỗ trợ từ các sở ban ngành trên khắp cả nước nhằm tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp tìm kiếm, tiếp cận kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao áp dụng trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, giao thông thông minh, xây dựng thông minh, chuyển đổi số...”, Phó Chủ tịch chia sẻ thêm.
 
Trong khuôn khổ sự kiện, tại đầu cầu Phú Yên còn diễn ra nghi thức ký kết giữa Sở Khoa học và Công nghệ với các đơn vị liên quan nhằm phối hợp thực hiện nhiều nội dung hợp tác về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
 
 
Các đại biểu theo dõi sự kiện qua hình thức trực tuyến tại đầu cầu TP.HCM.
 
Góp phần vào không khí sôi nổi đó, tại đầu cầu TP.HCM đã diễn ra Hội thảo “Quy trình sản xuất than sinh học từ phế phẩm nông nghiệp - chăn nuôi”. Tại đây, các đại biểu được ông Võ Thành Công - Giảng viên Khoa Công nghệ Hóa học, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM chia sẻ về nhiều nội dung như: thực trạng nguồn phế phẩm nông nghiệp – chăn nuôi ở Việt Nam; cơ sở khoa học trong chuyển hoá phế phẩm; than sinh học và các mô hình ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp; quy trình và thiết bị trong than hoá phế phẩm...
 
Báo cáo tại Hội thảo, ông Võ Thành Công cho biết, hàng năm, sản xuất nông nghiệp đã phát sinh một lượng lớn phế phẩm nông nghiệp như: phế phẩm trồng trọt, phế phẩm chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp…. Sử dụng hiệu quả nguồn phế phẩm nông nghiệp này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì nông nghiệp bền vững và nâng cao hiệu quả kinh tế nền nông nghiệp.
 
Cũng theo ông Công, từ lâu, than sinh học đã được ví như “vàng đen” trong nông nghiệp bởi vô vàn ứng dụng hữu ích. Đây là một khoáng chất dạng rắn giàu carbon thu được từ việc nhiệt phân yếm khí sinh khối. Loại than này có thể được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu sinh khối như bã mía, vỏ trấu, mùn cưa, vỏ trái cây, rơm rạ, vỏ cà phê…, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như làm chất xử lý môi trường; sản xuất phân bón sinh học; cải tạo đất; làm chất xúc tác, chất hấp phụ... Do đó, việc ứng dụng công nghệ để sản xuất than sinh học không chỉ giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, “đổi đời” cho phế phẩm nông nghiệp – chăn nuôi, mà còn là một trong những lựa chọn để bắt nhịp với xu hướng nông nghiệp “xanh” và “sạch” trên toàn cầu.
 
 
Ông Võ Thành Công (Giảng viên Khoa Công nghệ Hóa học - Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) báo cáo tại Hội thảo “Quy trình sản xuất than sinh học từ phế phẩm nông nghiệp - chăn nuôi” sáng 15/11.
 
Trong nghiên cứu của nhóm tác giả trường Đại học Công nghiệp, với phế phẩm nông nghiệp (rơm rạ, vỏ trấu, vỏ cà phê…) sau khi nung yếm khí, sản phẩm thu được là mẫu than sinh học có khả năng cô lập, giữ khí CO2 trong đất, đồng thời, đặc tính xốp giúp đất giữ nước, dưỡng chất và bảo vệ vi khuẩn có lợi. Cùng với đó, than sinh học còn có tác dụng khử mùi và khử trùng có thể sử dụng kết hợp với chế phẩm vi sinh để làm lớp thảm sinh học cho các trại chăn nuôi. Ngoài ra, từ phế phẩm vỏ cam qua quá trình nhiệt phân yếm khí, sản phẩm thu được còn chứa hợp chất kim loại được sử dụng làm chất xúc tác cho phản ứng tổng hợp sản phẩm diesel sinh học.
 
Còn đối với phế phẩm chăn nuôi (xương bò, xương cá, vỏ hàu…), sản phẩm mẫu than BC-S có màu đen, không mùi, có cấu trúc dạng khoáng chứa nhiều nhóm chức hữu cơ và carbon. Bề mặt của mẫu than thể hiện cấu trúc là các hạt phẳng xếp chồng lên nhau, kích thước hạt trung bình là 10μm, xen giữa các hạt phẳng là các rảnh mao quản, hạt phẳng tương đối đều nhau, các lỗ trống xen kẽ nhiều và sâu làm tăng diện tích bề mặt riêng, vì vậy có thể ứng dụng để hấp phụ hóa học. Đặc biệt, sản phẩm có khả năng làm mất màu xanh Metylen và thuốc tím tương đối tốt. Do đó than xương phù hợp để ứng dụng làm chất hấp phụ xử lý màu hoặc kim loại nặng có trong nước thải.
 
“Việc hoàn tất quy trình sản xuất than sinh học từ phế phẩm nông nghiệp - chăn nuôi sẽ tạo ra vòng tuần hoàn khép kín, giúp sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, nhất là giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Nông nghiệp tuần hoàn muốn thành công cần trợ lực của khoa học công nghệ. Hiện nay, nhóm đang nghiên cứu, ấp ủ kế hoạch sản xuất than sinh học từ các nguồn phế phẩm khác nhau, nhằm mục tiêu đa dạng hóa cách thức phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ”, ông Công chia sẻ.
 
Được biết, với việc làm chủ công nghệ sản xuất than sinh học, hiện nhóm nghiên cứu đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp ngành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản suất dầu diesel và xử lý môi trường ở quy mô công nghiệp, cũng như triển khai quảng bá để nhân rộng mô hình dự án cả trong và ngoài Thành phố.
Minh Nhã (CESTI)
Sử dụng công nghệ sàn giao dịch Techport
Scroll